Bước tới nội dung

Phạm Minh Tuấn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phạm Minh Tuấn
Tên khai sinhPhạm Văn Thành
Sinh23 tháng 5, 1942 (82 tuổi)
Phnôm Pênh, Liên bang Đông Dương
Nghề nghiệpNhạc sĩ
Bài hát tiêu biểuQua sông
Bài ca không quên
Đất nước
Ca sĩ trình bày thành côngHồng Nhung
Cẩm Vân
Cao Minh

Phạm Minh Tuấn (sinh 1942) là một nhạc sĩ Việt Nam.

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Minh Tuấn có tên khai sinh là Phạm Văn Thành, sinh 23 tháng 5 năm 1942 tại Phnôm Pênh, Campuchia, nguyên quán tại Xuân Ninh, Xuân Trường, Nam Định[1]. Thập niên 1930, cha mẹ ông lưu lạc sang Campuchia làm ăn và anh em ông được sinh ra tại đó[2]. Phạm Minh Tuấn tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam từ năm 1960. Ông theo học lớp bồi dưỡng âm nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam và sau đó đã tốt nghiệp Đại học Sáng tác tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (1976-1981)[3].

Tổng cộng trong sự nghiệp Phạm Minh Tuấn sáng tác trên trăm ca khúc[2]. Ngoài sáng tác ca khúc và viết khí nhạc, ông còn viết nhạc phim, kịch nói, cải lương[3].

Ông làm công tác giảng dạy âm nhạc và từng giữ các chức vụ Phó Giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (1976 - 1996), Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (1996 - 2004), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V (1989 - 2000)[1][3].

Tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Minh Tuấn có những ca khúc đầu tay từ năm 1961[1]. Ca khúc Qua sông được viết năm 1963, hồi đó Phạm Minh Tuấn mới chỉ 23 tuổi và đang trong chiến khu. Tác phẩm này giúp ông nhận được giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu năm 1965[2]. Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn được ông viết năm 1968 trong chiến dịch Mậu Thân[4].

Bài ca không quên là một sáng tác đặt hàng cho bộ phim cùng tên vào năm 1981 và phát hành năm 1982. Bài hát được viết nhanh, theo thể tự sự với cách viết ở thể ba đoạn dành riêng cho giọng đơn. Ca từ bài hát nhẹ nhàng, như một lời trách móc tế nhị những người đang quên đi ký ức. Năm 1981 ở Việt Nam là thời điểm khó khăn với Chiến tranh biên giới Tây Nam, lũ lụt, mùa màng thất bát... Sau khi ra mắt, Bài ca không quên gắn liền với thể hiện của ca sĩ Cẩm Vân và nhanh chóng trở thành một tác phẩm ăn khách hàng đầu thời điểm đó[5].

Đất nước là một trong những bài hát tiêu biểu của Phạm Minh Tuấn. Từ bài thơ của Tạ Hữu Yên đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1984, Phạm Minh Tuấn đã đầu tư suốt một năm để viết nên ca khúc này. Ca khúc như là nỗi lòng của những người con dành cho mẹ[2].

Ngoài Đất nước, ông còn chứng tỏ khả năng phổ thơ tài tình qua các sáng tác Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh), Dấu chân phía trước (thơ Hồ Thi Ca) hay Khát vọng (ý thơ Đặng Viết Lợi)[2].

Mùa xuân từ những giếng dầu không phải "ngành ca" mà xuất phát từ cảm xúc thật. Năm 1981, Phạm Minh Tuấn có chuyến đi thực tế đến Liên doanh Vietsovpetro ở Vũng Tàu. Ba năm sau, cảm xúc khi nghe tin Việt Nam lần đầu tiên khai thác được dầu, cùng với những tư liệu có được từ chuyến đi năm 1981 giúp ông bắt tay viết tác phẩm và hoàn thành nhanh sau đó[2].

Tác phẩm chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Các tác phẩm chính của nhạc sĩ[6]

Ca khúc
  • Qua sông (1963)
  • Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn (1968)
  • Đường tàu mùa xuân (1976)
  • Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh)
  • Dấu chân phía trước (thơ Hồ Thi Ca) (1980)[7]
  • Rừng gọi
  • Bài ca không quên (1981)
  • Mùa xuân từ những giếng dầu (1984)
  • Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên) (1984 – 85)[8]
  • Khúc ca đảo Yến
  • Khát vọng (phỏng thơ Đặng Viết Lợi) (1985)[9]
  • Lối nhỏ vào đời
  • Cháu đi mẫu giáo (1976)
  • Còn gì cho nhau
  • 3 người đồng đội
Khí nhạc
  • Prélude cho piano
  • Giao hưởng thơ

Nhạc phẩm đã xuất bản

[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Minh Tuấn đã có những tập nhạc và album được xuất bản sau:[1]

  • Qua sông (Nhà xuất bản Giải phóng)
  • Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh)
  • Biển gọi (Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh)
  • Bài ca không quên (DIHAVINA)
  • Tuyển chọn ca khúc Phạm Minh Tuấn (DIHAVINA)
  • Bài ca không quên (album) (DIHAVINA và Hội nhạc sĩ Việt Nam)

Phạm Minh Tuấn đã nhận được nhiều giải thưởng[1][3]:

  • Huân chương Lao động hạng Nhất
  • Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965)
  • Giải âm nhạc trong phim Bài ca không quên, vở kịch Ngôi sao biển
  • Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam (1993, 1995, 1996)
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001)

Danh sách đĩa nhạc

[sửa | sửa mã nguồn]

Album phòng thu

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Đất nước – My Country (1998)

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e “Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn”. Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.
  2. ^ a b c d e f Lê Thiếu Nhơn (ngày 17 tháng 3 năm 2014). “Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: Có một bài ca không bao giờ quên”. Báo Công an nhân dân điện tử. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.
  3. ^ a b c d “Thông tin tác giả Phạm Minh Tuấn”. Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.[liên kết hỏng]
  4. ^ Hòa Bình (ngày 29 tháng 4 năm 2015). “Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn - Bài ca không quên”. Báo Người Lao động Điện tử. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.
  5. ^ Nguyên Minh (ngày 30 tháng 4 năm 2014). “Có một bài ca không bao giờ quên”. Báo Thể thao & Văn hóa online. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.
  6. ^ “Phạm Minh Tuấn”. Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.[liên kết hỏng]
  7. ^ Mai Hồng (ngày 5 tháng 6 năm 2011). “Từ "Dấu chân phía trước" đến hợp xướng "Bông sen". Báo điện tử VOV. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.
  8. ^ “Những bài hát về đất nước, cách mạng”. Báo Bình Định online. ngày 9 tháng 6 năm 2005. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.
  9. ^ Mai Hoàng (ngày 23 tháng 3 năm 2015). “Giai điệu Khát vọng vang lên từ… thơ”. Báo Đà Nẵng điện tử. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.