Bước tới nội dung

Người Hồi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Người Hồi
خُوِذُو
回族
Hai phụ nữ Hồi và một người đàn ông mặc trang phục truyền thống
Tổng dân số
10.586.087 (2011 Census[cần dẫn nguồn])
Ngôn ngữ
Tiếng Quan thoại, Tiếng Đông Can và các phương ngữ Hán ngữ khác
Tôn giáo
Chủ yếu là Hồi giáo Sunni (≈ 50% Hanafi, 20% Wahhabi giáo, 20% Sufi giáo),[1] một số người Hồi cũng theo Phật giáo
Sắc tộc có liên quan
Người Hán • Người Bạch
Khác: Nhóm người Hán-Tạng

Người Hồi (tiếng Trung: 回族; Hán-Việt: Hồi tộc; bính âm: Huízú) là một dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Họ là một trong 56 dân tộc được nhà cầm quyền chính thức công nhận. Hầu hết những người Hồi có ngoại hình và văn hóa giống người Hán, nhưng họ theo Hồi giáo (Islam) và vì thế có một số đặc điểm văn hóa riêng. Ví dụ, họ bị cấm ăn thịt lợn, loại thịt được ăn nhiều nhất tại Trung Quốc, ngoài ra họ cũng không ăn thịt chó, ngựa, và uống rượu. Y phục của họ khác người Hán vì đàn ông người Hồi đội mũ trắng và đàn bà người Hồi đội khăn quàng và thỉnh thoảng dùng mạng che mặt.

Theo cách hiểu hiện đại, định nghĩa về thế nào là Hồi không bao hàm các nhóm dân tộc như Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc cũng sống trên đất nước Trung Hoa và theo đạo Hồi nhưng dân tộc này hoàn toàn khác biệt về văn hóa nếu so sánh với người Hán. Ví dụ, tại Tân Cương (新疆), nơi khoảng 10 phần trăm số dân là người Hồi, thì người Hồi có đặc điểm đặc trưng về dân tộc hoàn toàn rất khác so với người Duy Ngô Nhĩ, Kazakh, và Kyrgyz, là những dân tộc có đặc điểm gần gũi với người Turk sinh sống ở Trung Á ở cả trong và ngoài phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong số người Hồi còn có một số người Trung Quốc theo đạo Hồi, không giống người Hán, nhưng không được liệt kê thành một nhóm dân tộc riêng, như những người Hồi ở đảo Hải Nam (người Utsul) đang sử dụng một ngôn ngữ trong ngữ hệ Nam Đảo (tiếng Tsat) tương tự như tiếng của người ChămViệt Nam và được cho là hậu duệ của người Chăm di cư đến Hải Nam.

Trong tiếng Việt, tên của tôn giáo của họ được xuất phát từ tên của nhóm này, có nguồn gốc Hán-Việt (回教 Huíjiào; Hồi giáo). Trong tiếng Trung Quốc hiện đại, tôn giáo của họ thường được gọi là Y Tư Lan giáo (伊斯蘭教 Yīsīlán jiào), trong đó "Y Tư Lan" (伊斯蘭 Yīsīlán) là phiên âm bằng tiếng Quan thoại của "Islam".

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]
Đàn ông người Hồi gần sân trong của Đại Thanh Chân Tự

Người Hồi xuất thân từ nhiều nguồn gốc. Người Hồi vùng đông nam là hậu duệ của các thương nhân Ả Rập định cư ở Trung Quốc, kết hôn với người Trung Quốc và dần dần bị đồng hóa, chỉ còn giữ lại tôn giáo của mình.

Một cách giải thích hoàn toàn khác biệt nữa là một số cộng đồng người Hoa ở Vân Nam và người Hồi phía Bắc vốn là hậu duệ của những người Mông Cổ, người Đột Quyết và một số sắc tộc khác có gốc Trung Á đã chuyển sang đạo Hồi sau khi bị chính quyền các triều đại nhà Minh, nhà Thanh thi hành chính sách Hán hóa. Trước khi theo đạo Hồi, những cộng đồng này theo Mani giáoCảnh giáo, một phái Kitô giáo theo thuyết của Nestorius (386-451) đã từng phát triển mạnh mẽ ở phương Đông thời trung đại, nhưng bị các giáo hội Kitô giáo khác coi là lạc giáo. Từ Hồi hồi (回回), được cho là có nguồn gốc từ các tên Hồi Cốt (回鶻) hay Hồi Hột (回紇) dùng để chỉ Hãn quốc Hồi Cốt (thế kỷ VIII và IX), là thuật từ chung dùng để chỉ người Hồi giáo Trung Quốc trong suốt thời nhà Minh và nhà Thanh[2].

Điều này giải thích tại sao từ "Hồi" ("Hui") theo nghĩa dân tộc học lại rất gần với "Uygur", mặc dù từ "Hồi" đã được Hán hóa và được dùng hoàn toàn khác so với "Uyghur" (người Uyghur cổ không phải là người Hồi giáo). Từ "Hồi" ("Hui") mặc dù được dùng trong suốt cả một thời gian dài (ít ra là từ đời nhà Thanh) như là một từ chung để chỉ người Trung Quốc theo đạo Hồi ở mọi nơi và ở một phạm trù rộng hơn được dùng để chỉ người Hồi giáo nói chung (ví dụ, người Trung Quốc đời Thanh có thể miêu tả một người Uygur là một "Chantou" theo đạo Hồi - "Hui"), nhưng lại không được sử dụng ở Đông Nam nhiều bằng từ "Qīngzhēn" (Thanh Chân), một từ vẫn còn được dùng phổ biến cho đến ngày nay, đặc biệt là trong trường hợp để chỉ chế độ ăn theo các luật lệ Hồi giáo (Halal trong tiếng A rập, tiếng Hán Phổ thông Mandarin gọi là qīngzhēn cài 清真菜) và để chỉ các nhà thời Hồi giáo (qīngzhēn sì - 清真寺 (Thanh Chân tự) theo tiếng Hán Phổ thông Mandarin).

Người Hồi giáo ở Đông Nam cũng có lịch sử bị đồng hóa bởi Khổng giáo lâu đời hơn lịch sử tiếp thu các giáo lý của đạo Hồi, luật Sharia (tiếng A rập: شريعة - luật lệ của đạo Islam) và kinh Koran (tiếng A rập القرآن – kinh thánh của đạo Islam), như được ghi chép trong các văn bản là ngay từ thời Đường đã tham gia đóng góp vào hàng ngũ khoa cử Nho học. Ngược lại, người Hồi miền Bắc, lại chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Trung Á với các giáo phái Sufi (tiếng Ả rập:صوف hay còn được gọi là Irfan trong tiếng Ả rập/Ba Tư: عرفان là một trào lưu Hồi giáo truyền thống thần bí) như Kubrawiyya, Qadiriyya, Naqshbandiyya (Khufiyya và Jahriyya) v.v... mà phần lớn đều là các giáo phái Hanafi Madhab (Madhab tiếng Ả rập là مذهب có nghĩa là giáo phái và Hanafi – tiếng Ả rập حنفي là một trong bốn giáo phái của Hồi giáo Sunni). Trong khi tại các cộng đồng ở miền Đông nam thì giáo phái Shafi’i Madhhab lại phổ biến hơn (Shāfi‘ī - tiếng Ả rập là شافعي cũng là một trong bốn giáo phái của Hồi giáo Sunni). Trước khi có phong trào "Ihwani", một biến thể Trung Quốc của phong trào Salafi theo tiếng Ả rập - سلفي là một phong trào trờ về "cội nguồn"(Salaf-tiếng Ả rập سلف có nghĩa là người hoặc thế hệ đi trước) trong Hồi giáo Sunni, thì người Hồi Sufi ở miền Bắc lại đã từng rất ưa chuộng kết hợp Đạo giáo và võ thuật với triết lý của Hồi giáo Sufi. Vào đầu thời hiện đại, các làng mạc của người Hồi miền Bắc Trung Hoa vẫn còn có các tên gọi như khu vực của "người Hồi Hột mũ xanh", "người Hồi Hột mũ đen" và "người Hồi Hột mũ trắng" như đã để lộ tẩy nguồn gốc có thể trước đây của họ là Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo, cho dù đến tận ngày nay các nghi thức tôn giáo của người Hồi ở miền Bắc Trung Hoa vẫn phần lớn là các nghi thức Islam. Hồi (Hui) cũng còn được sử dụng như một từ để chỉ chung tất cả các nhóm người ở Trung Quốc theo đạo Hồi mà không thuộc một nhóm dân tộc riêng biệt nào.

Danh xưng của người Hồi

[sửa | sửa mã nguồn]

Cách gọi "người Hồi Trung Hoa" gây ra một số vấn đề cả về định nghĩa cũng như hành chính và chính trị. Trước nhất, về mặt danh nghĩa, việc này xem ra có va chạm với "nguyên tắc" rằng Trung Quốc là một nhà nước vô thần. Thứ hai, một khi đã coi đây là một dân tộc nằm trong gia đình 56 dân tộc của Trung Hoa thì cách thức quan niệm với những người cũng là dân Trung Hoa nhưng theo Phật giáo hay Kitô giáo như thế nào? Trong "định nghĩa" về "dân tộc Hồi", chính phủ thiên về sự độc đáo và đặc sắc của họ so với định nghĩa về một tộc dân, cũng như sự đồng nhất về phong tục, lối sống và lịch sử của tộc dân đó để coi người Hồi là một dân tộc. Như vậy thì dường như chính phủ Trung Hoa đã "bỏ quên" hoặc chưa xem xét thực sự thấu đáo tới khía cạnh rằng hầu như toàn bộ những sự độc đáo, đặc sắc hay đồng nhất đó đều chỉ dựa trên tôn giáo của họ, chứ không dựa trên những yếu tố về chủng tộc, nguồn gốc dân tộc - những yếu tố nhân chủng học tối cần thiết.

Tuy vậy, đa số người Hồi cũng như những sắc tộc khác cho rằng việc xác nhận họ là một trong 56 dân tộc Trung Hoa là hợp lý vì lịch sử của họ, truyền thống văn hóa của họ gắn "đủ" để coi rằng họ là một tộc dân riêng rẽ, thực tế đã cho thấy rằng không phải đơn giản cứ chuyển sang đạo Hồi là một người Trung Quốc được coi là một người Hồi. Việc anh ta có được coi là một người Hồi không, trong trường hợp này còn tùy thuộc vào môi trường anh ta sinh sống, những mối quan hệ của anh ta với cộng đồng người Hoa theo Hồi giáo có đủ chặt chẽ, có đủ mức độ để cộng đồng chấp nhận anh ta là một người Hồi hay không? Rõ ràng, yếu tố cộng đồng, mối quan hệ đối với cộng đồng là một trong những điểm cơ bản nhất để hình thành "dân tộc Hồi", một dân tộc được hình thành mà không dựa trên những yếu tố dị biệt về chủng tộc hay nhân chủng học.

Những người Thổ Nhĩ Kỳ và người Tajik gọi người Hồi là "người Dungan", dẫu rằng học giả Tây phương đã chỉ ra rằng chỉ duy nhất có một nhóm thuộc tộc dân Hồi ở Kyrgyzstan mới là người Dungan mà thôi. Ở Thái Lan, người Hồi giáo có gốc gác Trung Quốc được gọi là "Chin Ho", trong khi họ gọi người Trung Hoa là "Chin". Ở MyanmarVân Nam, người Hồi được là "Panthay". Trong cộng đồng Hoa kiều hoặc có gốc gác Trung Hoa ở Malaysia chỉ có một thiểu số đổi sang đạo Hồi. Về mặt chính thức, những người Hoa Hồi (theo như cách gọi của một số người, trong đó có người Việt) này được coi là một nhánh của người Bumiputra, tức là được xem như một "dân tộc" nằm trong cộng đồng người Malaysia - cộng đồng người Bumiputra. Dẫu vậy, bản thân những người Hồi này chỉ cho rằng họ nằm trong cộng đồng người Hoa ở hải ngoại mà thôi, họ nằm trong cộng đồng đó chứ không phải tồn tại riêng rẽ như cách mà chính phủ Malaysia xác định cho họ.

Người Hồi nổi tiếng

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Trương Vân Lôi , quê ở Thiên Tân, diễn viên tướng thanh nổi tiếng tại Đức Vân Xã, Trung Quốc
  • Trịnh Hòa, có thể là người Hồi nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa
  • Bạch Sùng Hy, tướng quân, bộ trưởng bộ quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc
  • Mã Kiến, quê ở Vân Nam - TQ, người có công dịch cuốn Thiên Kinh Koran ra tiếng Trung Quốc.[cần dẫn nguồn]
  • Lưu Thi Thi, nữ diễn viên, vũ công múa ba lê nổi tiếng của Trung Quốc.
  • Mã Thiên Vũ, nam ca sĩ, diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc.
  • Mã Tư Thuần, nữ diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc, từng đoạt giải Ảnh Hậu tại LHP Kim Mã lần thứ 53.
  • Tưởng Hân, nữ diễn viên nổi tiếng người Trung Quốc.
  • Kim Thần, diễn viên múa và là nữ diễn viên nổi tiếng của những bộ phim điện ảnh trên mạng Trung Quốc
  • Vũ Lỗi, cầu thủ bóng đá người Trung Quốc nổi tiếng nhất, từng chơi cho clb EspanyolLa Liga

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “By choosing assimilation, China's Hui have become one of the world's most successful Muslim minorities”. The Economist. ngày 8 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2016.
  2. ^ Dru C. Gladney (1996), p.18; or Lipman (1997), pp. xxiii-xxiv.